Một số điểm mới nổi bật của Nghị định 148 hướng dẫn Bộ luật lao động 2012 (19/11/2018)
Nghị định 148/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 24/10/2018 và chính thức được áp dụng từ ngày 15/12/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động.
Những điểm mới của Nghị định 148 hướng dẫn Bộ luật Lao động mà người sử dụng lao động và người lao động cần biết để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ, cụ thể như sau:
1 – Người sử dụng lao động được ủy quyền ký hợp đồng lao động (Điều 1, Khoản 1, Nghị định 148/2018/NĐ-CP)
Nghị định mới quy định 05 đối tượng có thể đóng vai trò là người ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) bên phía người sử dụng lao động, thay vì 04 đối tượng như trước đây. Theo đó, người được người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức ủy quyền bằng văn bản cũng có thể thực hiện ký HĐLĐ.
2 – Thời gian thử việc không còn được tính trợ cấp thôi việc (Điều 1, Khoản 5, Nghị định 148/2018/NĐ-CP)
Thời gian thử việc đã không còn được tính là thời gian làm việc để nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Thời gian này chỉ còn bao gồm: Thời gian người lao động đã làm việc thực tế; Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản…
3 – Chấm dứt hợp đồng phải thanh toán mọi quyền lợi trong 07 ngày (Điều 1, Khoản 8, Nghị định 148/2018/NĐ-CP)
Trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động và người lao động phải thanh toán đầy đủ các khoản liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Thời hạn trên có thể kéo dài đến 30 ngày trong các trường hợp đặc biệt
4 – Tiền lương ngày nghỉ lễ không căn cứ vào lương tháng trước liền kề (Điều 1, Khoản 9, Nghị định 148/2018/NĐ-CP)
Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm của Bộ luật lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương
5 – Bổ sung quy định về tiền lương làm căn cứ bồi thường khi chấm dứt HĐLĐ trái luật (Điều 1, Khoản 10, Nghị định 148/2018/NĐ-CP)
Tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định tại Khoản 5 Điều 42 của Nghị định, đây là tiền lương theo HĐLĐ lao đồng tại thời điểm người sử dụng lao động hoặc người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.