Thực thi Luật đầu tư sửa đổi (11/05/2015)
Khi Luật Đầu tư sửa đổi được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, cộng đồng doanh nghiệp đã đánh giá rất cao tính đột phá của Luật. Nhưng đến thời điểm này, thời gian Luật sắp có hiệu lực pháp luật (ngày 01/7), doanh nghiệp lại trở nên thấp thỏm vì hàng trăm các văn bản quy định điều kiện kinh doanh vẫn đang treo lơ lửng trên đầu
Khi Luật Đầu tư sửa đổi được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, cộng đồng doanh nghiệp đã đánh giá rất cao tính đột phá của Luật. Nhưng đến thời điểm này, thời gian Luật sắp có hiệu lực pháp luật (ngày 01/7), doanh nghiệp lại trở nên thấp thỏm vì hàng trăm các văn bản quy định điều kiện kinh doanh vẫn đang treo lơ lửng trên đầu.
Cùng nỗi băn khoăn này, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, Luật Đầu tư sửa đổi là một phép thử, thậm chí của đổi mới, và hoàn thiện nâng cao hiệu lực nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng đến.
Doanh nghiệp cần được tham gia rà soát
Thực tế, thời gian để rà soát bãi bỏ hoặc thay thế hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với Luật Đầu tư sửa đổi chỉ còn chưa đầy hai tháng. Thủ tướng Chính phủ đã phải “sốt ruột” khi yêu cầu các bộ ngành địa phương cần khẩn trương rà soát, thực hiện nghiêm Luật cũng như Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ. Khi nói về sự đồ sộ của hệ thống các điều kiện kinh doanh, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho biết, bản liệt kê các quy định về điều kiện kinh doanh dày gần 900 trang, với khoảng 6.000 điều kiện. Ngoài ra, còn nhiều quy định về hồ sơ, thủ tục, thời gian để đáp ứng đủ những điều kiện đó, nếu liệt kê hết phải dày gấp 5-6 lần 900 trang đó… Tuy nhiên, công tác rà soát của cả hệ thống văn bản trên dường như đang được các bộ ngành và địa phương tiến hành khá “âm thầm”.
Chính những người sắp phải chịu sự tác động trực tiếp từ sự thay đổi của hệ thống văn bản điều kiện kinh doanh là cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư hầu như chưa được tham gia vào quá trình rà soát này. Theo Luật gia Cao Bá Khoát – giám đốc công ty Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự, doanh nghiệp và nhà đầu tư là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các văn bản pháp luật mà không được tham gia ngay từ đầu công tác xây dựng văn bản pháp luật thì tính khả thi của các văn bản đó chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, một thực tế khác cũng rất đáng quan tâm là sự thờ ơ của doanh nghiệp. Khi Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch – Đầu tư tập hợp và công bố danh mục điều kiện kinh doanh có điều kiện trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, thì chỉ có vỏn vẹn 18/500.000 doanh nghiệp trên toàn quốc góp ý. Không có bất kỳ hiệp hội doanh nghiệp nào đóng góp ý kiến. Nhưng kết quả trên đang thể hiện sự khó hiểu trong quy trình lấy ý kiến đóng góp từ cộng đồng. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, bản thân các chuyên gia cũng cảm thấy bối rối vì không lẽ những bức xúc của mình là thừa hay sao? Còn về phía cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, VCCI đã gửi tới 300 văn bản góp ý hàng năm mà vẫn… “không ăn thua”. Đặc biệt, theo quy trình, việc ban hành thông tư của các bộ không bắt buộc tham vấn doanh nghiệp. Vì thế, không ít văn bản được ban hành theo kiểu “đánh úp” doanh nghiệp. doanh nghiệp hoàn toàn ngỡ ngàng với những điều kiện kinh doanh đã được bỏ đi từ lâu vẫn tái lập trở lại.
Hiệu quả thực thi
Tiến sĩ Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường – giá cả tỏ ra băn khoăn, hiện nay, nhiều nội dung cải cách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn dừng lại ở trên văn bản. Theo tiến sĩ Long, cần có những giải pháp cụ thể tạo ra sức ép phải thực hiện đối với các cán bộ, công chức cấp thừa hành, trực tiếp làm việc với người dân và doanh nghiệp. Nếu không, đội ngũ này sẽ có thể vô hiệu hóa những tiến bộ của các cải cách được đưa ra từ lãnh đạo cấp cao. Đồng thời, phải tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân trong đầu tư kinh doanh.
Cách hữu hiệu nhất để lấy lại niềm tin cộng đồng doanh nghiệp chính là từ những việc làm cụ thể, thiết thực. Tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, khi chính sách đã có những tiến bộ thì việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần phải bằng những hành động thực tiễn. Với Luật Đầu tư (sửa đổi), quyền tự do kinh doanh của công dân, được làm những gì mà pháp luật không cấm đã được xác lập và đây chính là bước đột phá về thể chế kinh tế. Nhưng để sự đổi mới tư duy này đi được vào cuộc sống, thì vẫn đang còn là vấn đề phía trước.Tư duy nhà nước phục vụ cần được thấm sâu vào cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào công tác xây dựng chính sách, giám sát hoạt động quản lý nhà nước cũng thể hiện bằng sức khỏe của chính họ. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI khẳng định, chính sách liên quan đến doanh nghiệp rất quan trọng. Việt Nam rất cần hệ thống chính sách có thể hỗ trợ cho DN lớn dần lên, trưởng thành lên. Vì hiệu quả, chất lượng doanh nghiệp hiện còn chuyển biến rất chậm. Trong đó, có cả nguyên nhân do trình độ quản trị doanh nghiệp, khả năng tiếp cận công nghệ còn yếu…
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không tự đặt điều kiện kinh doanh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chấn chỉnh việc ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị nói trên thực hiện đúng các quy định của pháp luật về soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuyệt đối không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Trước đó, ngày 29/1/2015, Bộ Tư pháp có báo cáo về kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Bộ này cho biết, một số bộ, địa phương ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền, có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật và một số văn bản cần rà soát, xử lý theo quy định tại Nghị định số 16/2013 của Chính phủ về việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tự kiểm tra, xử lý theo quy định tại Nghị định số 40/2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu soạn thảo, thẩm định, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2015.
Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát các văn bản quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh để thực hiện Luật Đầu tư sửa đổi; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuyệt đối không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản với theo dõi thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp để kịp thời kiến nghị các biện pháp xử lý, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tăng cường tuyên truyền, quán triệt đối với cán bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quyền tự do kinh doanh đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Đầu tư sửa đổi, Luật DN sửa đổi. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp theo dõi việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật nêu trên của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và báo cáo Thủ tướng trong quý 3/2015.
(Theo Văn phòng chính phủ)
Bá Tú